Theo Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, mỗi năm có 5%-7% bệnh nhân phải cắt cụt tay chân do có liên quan đến thuốc lá.

Riêng trong tháng 12-2009, tại khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu, BV Nhân dân 115 TP.HCM, số bệnh nhân bị hoại tử các ngón tay, chân do hút nhiều thuốc lá chiếm gần 1/5 tổng số bệnh nhân có bệnh lý mạch máu.

Ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ có cảm giác đau cách hồi, đầu tiên đau nhẹ, sau tăng dần và thậm chí đau cả khi nằm nghỉ. Do những biểu hiện đau nhức nên một số trường hợp được chẩn đoán nhầm với nhóm các bệnh về cơ, xương, khớp. Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ thấy tê buốt các đầu ngón, hoại tử và loét chi. Đến đây, dấu hiệu nhận biết bệnh dễ dàng hơn nhưng cũng là lúc khả năng cứu chữa không còn nữa. Như vậy, với những bệnh nhân nghiện hút thuốc lá mà xuất hiện các dấu hiệu thiếu máu nuôi chi, nhất là ngọn chi có thể nghĩ tới tình trạng viêm tắc động mạch mạn tính ở người hút nhiều thuốc lá.

 

Cắt rồi, hút lại, cắt tiếp!


Có ba phương pháp điều trị bệnh này: Sử dụng thuốc cố gắng làm tăng lưu thông mạch máu và ngăn ngừa cục máu đông; cắt thần kinh giao cảm để phần nào giảm đau và giãn mạch, làm cầu nối động mạch phục hồi lưu thông dòng chảy. Tuy nhiên, phẫu thuật làm cầu nối động mạch cũng có chỉ định riêng và chỉ khoảng 20% trường hợp được thực hiện.

 

Trên thực tế, việc quyết định áp dụng phương pháp nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố và mỗi cách lại có chỉ định và mức độ thành công khác nhau. Đôi khi bệnh nhân tới sớm cũng khó điều trị được hoàn hảo do tắc mạch phức tạp, lan rộng, hoặc tắc hoàn toàn trên một đoạn quá dài… Trái lại, có trường hợp có thể làm được cầu nối mạch máu mà bệnh nhân lại đến quá trễ, các ngón chân, tay hay bàn chân, bàn tay đã hoại tử hoàn toàn. Lúc này, cắt bỏ là giải pháp phải chấp nhận cuối cùng. Nếu phần hoại tử đã lan đến phần khác thì phải cắt bỏ cao hơn. Có trường hợp phải cắt bỏ lên cả hai đùi, sát hai bên háng.

 

Nếu sau khi cắt bỏ đoạn đã hoại tử mà bệnh nhân lại vẫn hút thuốc lá thì kịch bản quay lại như lúc đầu! Mạch sẽ lại tắc các động mạch chỗ khác, hoại tử các ngọn chi còn lại, hoặc hoại tử dần dần lên cao hơn lúc đầu. Vì vậy, bệnh nhân phải ngưng hút thuốc lá bằng mọi cách.

 

Cách ngăn ngừa duy nhất bệnh Buerger là không được tiếp tục hút bất cứ loại thuốc lá nào, kể cả thuốc có đầu lọc hay không.

 

Bangladesh là quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất

Bệnh Buerger được lấy từ tên của Leo Buerger, người đầu tiên có nghiên cứu chính thức và đầy đủ về các trường hợp bị hoại tử bàn chân do thiếu máu nuôi dưỡng mà không do xơ vữa động mạch. Tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở vùng Trung Đông và Viễn Đông là nơi có nhiều người nghiện thuốc lá nhất. Hiện Bangladesh là quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh này cao nhất thế giới do người dân theo tập quán nghiện nặng một loại thuốc lá thô tự trồng và tự chế biến.

Nam giới thường mắc bệnh hơn nữ giới và người da trắng dễ bị bệnh hơn. Hầu như không thấy người da đen nào mắc bệnh này.

Cụt tay, cụt chân vì hút thuốc lá

Ông M. (50 tuổi, Tiền Giang) vừa phải quay lại BV Nhân dân 115 TP.HCM để cắt bỏ chân còn lại do vẫn tiếp tục hút thuốc lá sau khi đã cắt bỏ chân trái vì bệnh này. Đang khỏe mạnh, ông M. đột ngột đau nhức từ đốt sống cổ xuống đốt sống lưng khiến việc đi lại khó khăn, đau đớn. Đi khám, bác sĩ nói ông bị đau cột sống nhưng uống thuốc cả tháng không khỏi. Lúc nào người cũng có cảm giác tê rát. Sau đó, ở đầu các ngón chân bên trái xuất hiện các vết bầm tím kèm theo những cơn đau nhức dữ dội. Các bác sĩ lại xác định ông bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, sau một tháng uống thuốc ông vẫn không đỡ mà càng đau nhiều hơn. Tới khi lên đến BV Nhân dân 115 khám thì chân trái của ông đã hoại tử và phải cắt bỏ đến trên đầu gối trái. Mặc dù trước lúc xuất viện, các bác sĩ đã tư vấn bỏ thuốc lá và dặn dò kỹ lưỡng nhưng ông M. vẫn tiếp tục hút thuốc lá, kết cục ông phải cắt bỏ nốt chân còn lại.

Bàn chân bị hoại tử.

Cụ T. 76 tuổi, cũng nhập bệnh viện để cắt bỏ cẳng chân trái và ba ngón tay còn lại của bàn tay trái sau khi đã lần lượt cắt bỏ cẳng chân phải, hai ngón tay trái và hai ngón tay phải.

Nhập bệnh viện cùng ngày với ông T. là K. 21 tuổi, với bảy năm hút thuốc lá và mỗi ngày hút khoảng một gói thuốc. Em bị hoại tử ba ngón tay và hai ngón chân bên trái. K. cho biết chưa bao giờ em phải chịu đựng nỗi đau nào kinh khủng như vậy.

Trên đây là những biểu hiện của bệnh Buerger hay còn gọi là viêm tắc động mạch mạn tính do nghiện hút thuốc lá. Bệnh xảy ra nhiều ở nam giới trẻ tuổi hoặc trung niên.

YÊN THẢO

 

Có phải ai hút thuốc lá cũng bị bệnh?

Sai. Tùy cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, ai cũng có nguy cơ mắc phải nó.

Nếu phát hiện lúc tay chỉ mới lốm đốm vài vết bầm tím thì có phải là tay chưa hoại tử và sẽ không bị cắt bỏ?

Chưa đúng. Đó là tín hiệu ban đầu của hoại tử. Phải cắt phần nào, cắt đến đâu là tùy vào khả năng đáp ứng của bệnh nhân với các phương pháp điều trị.

Bàn tay bị hoại tử.

Những người hút thuốc lá thụ động thì sẽ không bị bệnh này?

Sai. Về mặt lý thuyết, hút thuốc thụ động và chủ động đều có nguy cơ như nhau. Người hút thuốc lá thụ động vẫn bị ung thư phổi như thường, vì 4.000 độc tố nó nằm trong khói thuốc chứ không phải nằm trong điếu thuốc người ta hút.

Nếu sau khi cắt chi mà không tái hút thì sẽ không bị hoại tử các phần còn lại?

Đúng, trong trường hợp phần hoại tử đã được cắt bỏ hoàn toàn.

 

PGS-TS Cao Văn Thịnh,Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu, BV Nhân dân 115

 
Hướng dẫn khai thác thư viện số